Nguồn gốc hình thành học thuyết Tác chiến chiều sâu

Kinh nghiệm chiến tranh trước 1921

Cho đến khi bắt đầu hình thành tư tưởng của học thuyết, nước Nga đã trải qua 3 cuộc chiến tranh: Chiến tranh Nga - Nhật (1904-1905), Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1917) và cuộc Nội chiến Nga (1917-1921). Những cuộc chiến này là những bài học xương máu được tổng hợp lại thành từng phần trong học thuyết về sau.

Thất bại lớn nhất của Quân đội Đế quốc Nga trong cuộc chiến với Đế quốc Nhật Bản là sự lạc hậu trước trình độ công nghiệp hoá lúc đó của chiến tranh. Pháo dùng đạn nhồi thuốc súng không khói và súng máy đã tăng tầm lẫn hiệu quả sát thương, nhưng Quân đội Nga vẫn hành tiến theo đội hình khối và giao chiến mặt đối mặt như thời kỳ trước đó. Việc chuyển quân bằng đường sắt và thông tin bằng điện báo làm nhịp điệu cuộc chiến trở nên quá nhanh, nhưng cách lập kế hoạch tác chiến, tổ chức và chỉ huy vẫn theo thói quen đã định hình. Cả ba trận đánh trên bộ - sông Áp Lục, Liêu DươngPhụng Thiên - các đơn vị phòng ngự của Nga đều thua trong cuộc đấu quân số - hoả lực mà không có sự điều chuyển tiếp viện của đơn vị khác. Những điểm yếu này vừa đánh dấu sự lỗi thời của chiến thuật lẫn sự thiếu vắng của khái niệm "chiến dịch" và "vận động chiến dịch"[9].

Trong các chiến dịch của Chiến tranh thế giới thứ nhất giữa Nga và liên quân Đức - Áo - Hung, với ghi nhận cần phải liên kết các trận đánh riêng lẻ trong một "chiến dịch", quân đội Nga có cấp chỉ huy điều hành mới là Phương diện quân, và nhờ đó có được những hoạt động phối hợp cơ bản của một quân đội hiện đại. Nhưng ở cuộc chiến này, yếu tố đặc điểm địa hình cho thấy những bất cập khác. Trên chiến trường rộng lớn ở Nga và Đông Âu, mật độ quân lực của hai bên không đủ để tạo thành các chiến tuyến vững chắc như ở Tây Âu, nên cả hai bên đều sử dụng vận động chiến. Tuy nhiên, lực lượng vận động chính của cả hai bên đều là bộ binh đi bộ, lại khó tập trung mật độ cao vì đường sá kém cỏi khiến tiếp vận không đủ. Vì thế, các mũi tấn công vận động thọc sâu của cả hai bên vừa chậm lại vừa không đạt ưu thế quân số áp đảo, nên hiệu quả chiến đấu đã thấp lại luôn có nguy cơ bị thọc sườn. Ví dụ như khi Liên quân Đức - Áo - Hung bao vây 2 tập đoàn quân Nga ở Łódź (1914) lại bị tập kích, phản bao vây[10]. Còn việc sử dụng kỵ binh làm lực lượng cơ động tập hậu không có kết quả do bị vô hiệu hoá dễ dàng trước hoả lực súng máy. Trong những điều kiện đó, không bên nào thực hiện được một cuộc tấn công thọc sâu mang tính quyết định, khiến cho mặt trận lâm vào trạng thái cầm cự động cho đến khi Cách mạng Tháng Mười nổ ra và Nga rút ra khỏi cuộc chiến.

Cuộc Nội chiến Nga (1918-1921) cho thấy một khía cạnh khác: cả Hồng quân lẫn Bạch vệ đều tham chiến ở trình độ trang bị hỏa lực tương đối thấp và vận động chiến bằng kỵ binh có ưu thế. Thời gian đầu, phe Bạch vệ nhờ có kỵ binh Cô dắc trong đội hình đã giành thắng lợi ở một số trận đánh, nhưng Hồng quân dần san bằng ưu thế bằng cách thành lập lực lượng kỵ binh của mình. Ban đầu, kỵ binh Hồng quân được tổ chức thành phân đội trinh sát tiền phương của các đơn vị bộ binh. Khi cuộc chiến phát triển, kỵ binh được tập trung lại thành các đơn vị lớn, tác chiến độc lập[11]. Chính các đơn vị này đã trở thành lực lượng cơ động chiến dịch của Hồng quân và lập được nhiều thành tích, như Tập đoàn quân Kỵ binh Đỏ số 1 (Konarmiya) của S. M. Budyonny trở thành huyền thoại.

Trong thời gian này, cuộc tấn công vận động gây nhiều tranh cãi nhất là của Phương diện quân Tây của M. N. Tukhachevsky năm 1920 từ Wisla đến tận Warsawa - cuộc tấn công lần đầu tiên tập trung được binh lực ở mật độ áp đảo - nhưng kết cục là bị bẻ gãy bởi cuộc phản công của quân Ba Lan. Những nghiên cứu sau này chỉ ra nhiều nguyên nhân của thất bại, từ trang bị kém cho đến tiếp vận không kịp thời, nhưng nguyên nhân hàng đầu của nó là mũi tấn công này xảy ra đơn lẻ trong khi các Phương diện quân khác không gây áp lực hỗ trợ[Ct 1]. Và bài học này sẽ được đúc kết thành chiến dịch nối tiếp trong học thuyết về sau[12].

Quá trình hình thành tư tưởng của học thuyết

Bối cảnh chính trị trong thập kỷ 1920

Sau cuộc Nội chiến, nước Nga Xô Viết trải qua một thời kỳ chính trị hóa quân sự, mà nội dung là tìm cách định hình vai trò, nhiệm vụ và tổ chức của Hồng quân trong lý tưởng chủ nghĩa xã hội đương thời. Giữa xu hướng phổ biến quan niệm Hồng quân là một quân đội của giai cấp công nông, dựa vào chiến tranh nhân dân kết hợp với công cuộc đấu tranh giai cấp của phong trào vô sản thế giới để đối mặt với các đe doạ tương lai, thì các chỉ huy Hồng quân xuất thân từ sĩ quan quân đội Đế quốc Nga lại kêu gọi xây dựng Hồng quân thành một đội quân chính quy, hiện đại, mà tiêu biểu là lời nói của Tukhachevsky: "Tinh thần cách mạng mà không có trang bị vũ khí cần thiết thì không thể thắng được cuộc chiến tranh hiện đại"[13].

Quan điểm này được sự ủng hộ của M. V. Frunze - lãnh đạo của Hồng quân lúc đó - và năm 1921 Tukhachevsky được giao nhiệm vụ Giám đốc Học viện Quân sự mới thành lập (từ năm 1925, khi Frunze mất thì đổi tên là Học viện Quân sự Frunze). Ở vị trí này, ông có điều kiện tập hợp một số tài năng quân sự về Học viện, tạo cảm hứng nghiên cứu và đối thoại cho họ[Ct 2], gây dựng cơ sở cho nền khoa học quân sự Xô Viết.

Đến giữa thập kỷ 1920 trở đi, khi các cuộc cách mạng vô sản ở các nước tư bản Phương Tây không diễn ra như mong đợi và Stalin tuyên bố "Liên bang Xô viết không thể không có nanh vuốt để phải quỳ gối trước phương Tây một lần nữa"[15], thì quan điểm hiện đại hóa Hồng quân mới có được sự hậu thuẫn chính trị vững chắc, việc xây dựng một học thuyết quân sự cho Hồng quân mới có được sự đồng thuận rộng rãi.

Nhận diện các tiền đề của học thuyết

Dựa trên sự đồng thuận rằng học thuyết cần được xây dựng trên các tiền đề về cuộc chiến tranh tương lai mà Liên bang Xô viết phải đối đầu, qua thảo luận trong giới khoa học quân sự, có 4 tiền đề được nhận diện như sau[16]:

  1. Cuộc chiến tranh tương lai có phải là một cuộc chiến kéo dài như Chiến tranh thế giới thứ nhất hay chỉ được quyết định trong một trận đánh hoặc một chiến dịch?
  2. Hồng quân nên theo đuổi chiến lược phòng thủ hay tấn công?
  3. Cuộc chiến tương lai là cuộc chiến lấn đất từng phần hay là sân khấu cho vận động chiến?
  4. Lực lượng có khả năng quyết định kết quả cuộc chiến là bộ binh hay là cơ giới hoá?

Việc thiết lập tiền đề dựa trên những câu hỏi này đòi hỏi sự cân nhắc, phản biện đa diện trong bức tranh của nước Nga Xô viết khi đó: một lực lượng dự bị chiến đấu lớn cùng với trình độ kỹ thuật công nghệ lạc hậu; một lãnh thổ rộng lớn với hạ tầng cơ sở mỏng manh. Đây chính là thời kỳ Liên Xô thực hiện các kế hoạch 5 năm điện khí hoá và hiện đại hoá đất nước, cho nên quá trình phản biện này kéo dài trong suốt thời kỳ và sự đồng thuận ở một vài vấn đề then chốt phải chờ đến khi các kế hoạch này thành công[16].

Sự hình thành tư tưởng của học thuyết

Ngay sau Nội chiến, từ những nghiên cứu lịch sử chiến tranh của mình Tukhachevsky nhận định rằng Chiến tranh thế giới thứ nhất là cột mốc đánh dấu sự thay đổi bản chất của chiến tranh mà chưa có quốc gia nào nhận thức rõ. Trong các bài báo của mình, Tukhachevsky phân tích các cuộc chiến tranh trước thế kỷ 20 và chỉ ra rằng trong điều kiện kinh tế - chính trị giới hạn thời đó, mỗi quốc gia chỉ có thể duy trì được một quân đội tương đối nhỏ, chiến tranh giữa 2 quốc gia thường được quyết định bằng kết quả của một trận chiến giữa hai đội quân này trong một địa bàn tương đối hẹp[17]. Điều kiện kinh tế - chính trị của châu Âu trong thế kỷ 20 đã khác: các quốc gia có thể nhanh chóng động viên một phần lớn dân số vào quân đội, đồng thời địa bàn tham chiến trải rộng hơn trước rất nhiều. Trong tình hình mới đó, ông cho rằng kỳ vọng một trận đánh có thể quyết định kết quả của cuộc chiến là ảo tưởng, thay vào đó, chiến thắng cuối cùng chỉ có thể đạt được qua nhiều chiến dịch tấn công nối tiếp nhau[18].

Chia sẻ tư tưởng này của Tukhachevsky, A. A. Svechin - một giảng viên ở Học viện Quân sự Frunze - đã đưa ra các lý luận nền tảng cho học thuyết quân sự Xô viết với tác phẩm Strategyia[19] được xuất bản lần đầu năm 1926. Trong tác phẩm này, Svechin xác nhận sự thay đổi của bản chất chiến tranh, tuy nhiên, ông cho rằng cuộc chiến tương lai là một cuộc chiến tranh tiêu hao lâu dài, giành giật từng vị trí[Ct 3]. Cũng theo bức tranh chiến tranh của ông, quan điểm "tấn công liên tục" của Tukhachevsky cần được thay thế bằng linh hoạt kết hợp tấn công với phòng thủ[20].

Từ tiền đề về chiến tranh tiêu hao mà trong đó bên chiến thắng là bên bù đắp được tiêu hao tốt hơn, Svechin đưa đến khái niệm chiến tranh tổng lực, trong đó sức mạnh của nền kinh tế để cung cấp vật chất và lý tưởng chính trị giúp động viên sức người vào cuộc chiến có vai trò trọng tâm thay cho sức mạnh nhất thời của quân đội. Cũng từ luận điểm này, ông cho rằng cần phải thiết lập một cơ cấu chỉ huy thống nhất giữa quân sự và dân sự, tiền tuyến và hậu phương nhằm đảm bảo dòng chảy vật chất và sức người thông suốt[21].

Từ tiền đề về cuộc chiến lâu dài trong đó có nhiều hoạt động tấn công đan xen với phòng thủ, Svechin chỉ ra khoảng trống ở giữa khái niệm "chiến lược" - cách đi đến chiến thắng cuối cùng của cuộc chiến - và khái niệm "chiến thuật" - cách tiến hành từng trận đánh. Đây chính là điểm khởi đầu để ông đưa ra một khái niệm mới lúc đó: Nghệ thuật chiến dịch.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tác chiến chiều sâu http://www.militaryhistoryonline.com/wwii/articles... http://www.calvin.edu/academic/cas/gpa/goeb36.htm http://www.cgsc.edu/carl/resources/csi/House/House... http://www.cgsc.edu/carl/resources/csi/glantz3/gla... http://www.au.af.mil/au/awc/awcgate/opart/opart_nw... http://www.carlisle.army.mil/USAWC/Parameters/Arti... http://www.carlisle.army.mil/USAWC/Parameters/Arti... http://www.carlisle.army.mil/usawc/Parameters/1985... http://www.history.army.mil/books/OpArt/index.htm#... http://www.dtic.mil/cgi-bin/GetTRDoc?AD=ADA416926&...